Đèn ngủ
Sử dụng đèn ngủ vào ban đêm là một thói quen của nhiều gia đình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thần kinh, ánh sáng nhân tạo từ đèn ngủ vào ban đêm không phải là có lợi, thậm chí còn gây nguy hiểm. Đặc biệt, nó sẽ làm cho hoóc môn cơ thể không phát triển đúng chu kỳ.
Không có đèn, không dám ngủ
Trẻ nhỏ hay nhát và hay tưởng tượng, vì thế, bóng đêm với các em là một điều gì đó thật ghê gớm. Khi lên giường, nhiều trẻ đòi cha mẹ không được tắt đèn. Ban đêm, lỡ giật mình thức giấc, xung quanh tối đen không nhìn thấy gì trẻ cũng sợ hãi hét lên. Vì thế, các bậc cha mẹ thường đặt trong phòng ngủ của bé những chiếc đèn ngủ nhỏ nhắn, xinh xinh, với hình dáng của các con vật bé yêu thích, phát ra thứ ánh sáng ấm áp như một lời trấn an giúp bé mau đi vào giấc ngủ và đêm nếu tỉnh giấc cũng sẽ yên tâm ngủ lại.
Những người mẹ có con nhỏ, ngay cả ban đêm, họ cũng không thể rời mắt khỏi con mình. Vì thế, ngoài chiếc đèn ngủ hay sử dụng, nhiều bà mẹ còn thắp cả bóng nê on sáng để mỗi lần con dậy đòi ăn hay đi vệ sinh, họ có thể xoay xở dễ dàng hơn.
Với những người già hay những người có thói quen thức dậy vào ban đêm thì chiếc đèn ngủ là không thể thiếu. Và có nhiều người, không có đèn là không dám ngủ…
Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm giám định tâm thần pháp y TP.HCM, dùng đèn ngủ vào ban đêm là một thói quen hoàn toàn không tốt. Ban đêm, chỉ một chút ánh sáng mờ ảo của đèn ngủ hay đèn tường, ánh sáng từ chiếc đồng hồ báo thức… cũng đủ gây nguy hiểm.
Ánh sáng nhân tạo này sẽ ảnh hưởng đến nhịp độ sinh học của cơ thể. Vì vào ban đêm cơ thể sẽ sản sinh ra hoóc môn có tên gọi melatonin với chức năng duy trì nhịp sống bình thường cũng như điều chỉnh chu kỳ của một số chức năng sinh lý trong cơ thể. Hoóc môn này được sản xuất một cách tự nhiên trong bóng tối. Ánh sáng sẽ hạn chế sản xuất ra melatonin, mà chất này đóng vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch.
Còn về mặt sinh học bình thường của cơ thể thì càng nhiều ánh sáng càng khó ngủ và ngủ không sâu. Bác sĩ Quang đưa ra một ví dụ, khi phải đối mặt với một vấn đề gì đó của cuộc sống, nhiều người sẽ sợ hãi hoặc trằn trọc, không thể chợp mắt. Những lúc này, họ thường bật đèn sáng để xua đi những ý nghĩ tiêu cực, lo âu trong bóng đêm. Như vậy càng làm cho tình trạng khó ngủ tăng thêm.
Lúc này tốt nhất nên tắt hết bóng đèn để phòng ngủ tối hoàn toàn và tự ru mình bằng những ý nghĩ tốt đẹp, nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu thì giấc ngủ sẽ đến rất nhanh. Vì thế, theo bác sĩ Quang, đèn ngủ không tiện dụng như nhiều người nghĩ, mà ngược lại, nó có nhiều tác hại.
Nhiều tác hại
Bác sĩ Quang cho biết, khoa học đã chứng minh rằng, các ánh sáng có năng lượng và bước sóng khác nhau, từ đó các tác động đến cơ thể con người cũng khác nhau. Cơ thể chúng ta đã hoàn thiện để làm đúng “chức năng và nhiệm vụ” của ban ngày, ban đêm. Vì thế, khi bị ánh sáng làm “chệch” nhịp sinh học đó, cơ thể sẽ bị phản ứng, ngưng trệ hoặc làm sai chức năng, nhiệm vụ của mỗi thời điểm.
Đầu tiên, đối với trẻ nhỏ, bật đèn khi ngủ ảnh hưởng đến phát triển thị giác của trẻ. Bởi vì khi trẻ ngủ, cơ mi sẽ khép lại và đôi mắt bên trong hoàn toàn thư giãn. Còn nếu ngủ dưới ánh sáng của đèn ngủ thì vẫn có kích thích ánh sáng, đôi mắt bé vẫn sẽ tiếp tục hoạt động và cơ mi cũng không được nghỉ ngơi đầy đủ.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khi mắt vẫn chưa thực sự ổn định, điều này có thể dễ dàng gây hại cho võng mạc, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của tầm nhìn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đèn ngủ càng sáng sẽ càng làm tăng khả năng cận thị của trẻ theo cấp số nhân.
Ánh sáng của đèn ngủ còn ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ. Bác sĩ Quang giải thích, bất kỳ ánh sáng nhân tạo nào cũng sẽ tạo ra một áp lực. Sự tồn tại lâu dài của áp lực ánh sáng như vậy sẽ làm cho mọi người, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trở nên khó chịu, tâm trạng bồn chồn, khó ngủ, đồng thời ảnh hưởng đến khả năng tự đánh thức của cơ thể trẻ, khiến bé ngủ không sâu, dễ thức giấc.
Đèn ngủ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Vì sự phát triển của trẻ nhỏ vẫn đang tiếp diễn trong khi ngủ, nên giấc ngủ của trẻ sơ sinh vô cùng quan trọng. Một giấc ngủ ngon có thể thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, đồng thời cũng tăng sức đề kháng cho bé. Bật đèn ngủ không chỉ khiến giấc ngủ của trẻ không sâu mà còn cản trở sự tiết hoóc môn tăng trưởng trong khi ngủ. Mức độ hoóc môn tăng trưởng giảm sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất bình thường.
Vì những tác hại đó, bác sĩ Quang khuyến cáo, khi trẻ ngủ nên tắt đèn hoàn toàn. Trường hợp cần thiết hoặc lo trẻ sợ bóng tối, có thể dùng đèn hẹn giờ tắt hoặc ánh sáng mờ từ đèn ngủ mở số nhỏ hoặc ánh sáng mờ từ ngoài đường hắt vào. Khi trẻ dậy đi vệ sinh ban đêm, cha mẹ cũng chỉ nên bật đèn ngủ mờ, tránh ánh sáng chói làm bé tỉnh giấc ngủ.
Với người lớn thì việc ngủ dưới ánh sáng vào ban đêm có thể làm tăng nguy cơ bị trầm cảm. Vì ngay cả khi chúng ta thiếp đi, ánh sáng vẫn lọt qua mí mắt, điều này khiến bộ não sẽ không sản xuất melatonin vì nó lẫn lộn giữa ngày và đêm. Hay chúng ta thường chỉ để đèn lờ mờ nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới cấu trúc não. Những điều này sẽ khiến con người tăng nguy cơ trầm cảm. Ngoài ra, những người thường xuyên ngủ dưới ánh sáng vào ban đêm sẽ có nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến và cơ thể sẽ lão hóa nhanh hơn.
Lời khuyên của bác sĩ là: đừng đi ngủ với bất kỳ loại ánh sáng nào. Hãy tìm cách che chắn nếu ánh sáng của nơi khác hắt qua cửa phòng ngủ của mỗi người. Trong số các loại đèn, đèn đỏ là tốt nhất bởi bước sóng của nó ít ảnh hưởng đến lượng hoóc môn này so với đèn xanh, đèn halogen hay đèn huỳnh quang.
Một giấc ngủ ngon không chỉ giúp sức khỏe bền bỉ mà còn giúp giảm căng thẳng, xoa dịu tâm trí. Đó chính là một liều “thuốc tiên” để chữa những mệt mỏi về thể chất và tâm hồn. Vì thế, hãy thận trọng khi sử dụng đèn ngủ để ngủ ngon và ngủ sâu, tránh được bệnh tật.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.